Liên minh nghị viện thế giới (IPU)

Liên minh nghị viện thế giới (IPU)

Năm 1889, tại Paris, thủ đô nước Pháp, Liên minh Nghị viện thế giới (Inter-Parliamentary Union – IPU) đã được thành lập theo sáng kiến của hai nghị sĩ, đồng thời cũng là hai chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình là Frederic Passy, người Pháp và William Randal Cremer, người Anh.

Trong bối cảnh hỗn loạn tiềm ẩn nhiều nguy cơ chiến tranh thời đó, những người tiên phong thành lập IPU tin tưởng rằng, một trật tự quốc tế hòa bình và ổn định hơn có thể được tạo lập và duy trì nếu các quốc gia giải quyết những khúc mắc, khác biệt thông qua hình thức trọng tài, đối thoại, ngoại giao nghị viện thay vì chiến tranh.


Ngay từ khi thành lập, mục tiêu của IPU là tạo nên một cơ chế như là “trọng tài quốc tế”. Nhưng cùng với thời gian và diễn biến của tình hình thế giới, phạm vi hoạt động của IPU đã được mở rộng vì các vấn đề liên quan đến hòa bình đã trở thành yêu cầu cấp thiết và rõ nét.
 
Phấn đấu cho nền hòa bình thế giới, IPU hướng tới việc củng cố cơ sở pháp lý tạo nền tảng cho các mối quan hệ quốc tế. Xuất phát từ sự nhìn nhận các yếu tố kinh tế, xã hội, tư tưởng trong nhiều trường hợp là nguyên nhân tạo nên sự căng thẳng giữa các quốc gia, tổ chức thế giới của các nghị viện dần dần đã tiếp cận và dành sự quan tâm ngày càng nhiều hơn đối với các vấn đề mang tính toàn cầu.

126 Năm hình thành và phát triển

Trong suốt 126 năm hình thành và phát triển, IPU không ngừng được hoàn thiện, phát triển và trở thành tổ chức quốc tế của các nghị viện quốc gia có chủ quyền, là diễn đàn thường trực đầu tiên về đàm phán chính trị đa phương và là trung tâm đối thoại ngoại giao nghị viện toàn cầu để các nhà lập pháp bày tỏ quan điểm và chính kiến của mình về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, góp phần gìn giữ hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc và thiết lập các thể chế dân chủ đại diện bền vững.


Quá trình phát triển, IPU đã thực sự trở thành một tổ chức toàn cầu của nghị viện các quốc gia trên thế giới, với 179 nghị viện thành viên và 14 cơ quan nghị viện khu vực.





Với khẩu hiệu “Vì dân chủ. Vì tất cả mọi người”, IPU tạo điều kiện thuận lợi cho ngoại giao nghị viện và trao quyền cho các nghị viện và nghị sĩ trong thúc đẩy hòa bình, dân chủ và phát triển bền vững trên toàn thế giới. IPU nêu cao tầm nhìn hướng đến một thế giới nơi mọi tiếng nói đều có giá trị, nơi nền dân chủ và nghị viện phục vụ người dân vì hòa bình và phát triển.


Là tổ chức toàn cầu của nghị viện các quốc gia. IPU xác định rõ sứ mệnh thúc đẩy các cách tức quản trị, thể chế và giá trị dân chủ, IPU làm việc với các nghị viện và các nghị sĩ để nêu rõ và đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng của người dân. IPU hoạt động vì hòa bình, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, trao quyền cho thanh niên, phát triển bền vững thông qua đối thoại chính trị, hợp tác và các hoạt động nghị viện.



Mục đích cuối cùng của IPU là thúc đẩy tiếp xúc, phối hợp và trao đổi kinh nghiệm giữa các nghị viện và các nghị sĩ của tất cả các nước; xem xét và bày tỏ quan điểm của IPU về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm nhằm hỗ trợ các nghị viện và các nghị sĩ có những hành động cụ thể; góp phần bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, nhân tố thiết yếu của nền dân chủ nghị viện và phát triển; góp phần hiểu biết tốt hơn về các hoạt động của các thể chế đại diện, tăng cường và phát triển các phương thức hoạt động.


IPU thúc đẩy các hoạt động trong các lĩnh vực sau: Thúc đẩy dân chủ trên toàn thế giới; nhân quyền và pháp luật về quyền con người; hòa bình và an ninh quốc tế; phụ nữ trong chính trị; phát triển bền vững; giáo dục, khoa học và văn hóa.


IPU giữ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc và các tổ chức liên minh nghị viện khu vực cũng như các tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ khác. IPU có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ, đồng thời có văn phòng tại New York, Hoa Kỳ và Vienna, Áo.

null